UBND TP Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân các phường: Thắng Nhất, Rạch Dừa, 10, 11, 12 và xã Long Sơn về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035.
Tại hội nghị, ông Phan Trọng Tuệ, Kiến trúc sư Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia trình bày mục tiêu của đồ án xây dựng TP. Vũng Tàu thành “Đô thị du lịch biển- dịch vụ du lịch, thương mại quốc tế – dịch vụ hậu cần dầu khí, thủy hải sản”.
Đồ án định hướng quy hoạch TP. Vũng Tàu thành các phân khu: Phân khu đảo Gò Găng, phân khu Bắc Vũng Tàu, phân khu công viên văn hóa đô thị Bàu Trũng, phân khu du lịch văn hóa Núi Lớn- Núi Nhỏ, phân khu Bãi Sau…
Sau khi nghe trình bày về đồ án điều chỉnh quy hoạch, đa số người dân dự hội nghị đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến mong muốn thành phố tập trung quy hoạch trường học, công viên giải trí, phân bố hợp lý nhà cao tầng, chú trọng xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, nên có đập chắn sóng từ Bãi Sau đến Trại Nhái để tránh đất bị biển xâm thực…
Ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định địa phương rất có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng do sở hữu gần 100km đường bờ biển, nhiều vùng núi cao đẹp nhưng thời gian hơn mười năm qua nhiều dự án lớn “rót” vốn vào đây vẫn chưa thành hiện thực như cam kết.
Qui Hoạch Vũng Tàu
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện lại điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2050, kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch – nghỉ dưỡng lớn đã bị thu hồi trước đây do nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai. Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, Sun Group, Hưng Thịnh Corp, Tuần Châu, Tiến Phước… cũng đang làm việc với tỉnh để tìm hiểu những khu vực có thể đầu tư dự án mới.
Đặc biệt, ông Hưng cho biết khu vực Bãi Trước của TP. Vũng Tàu được xem là vị trí đắc địa và có giá trị lịch sử phát triển lâu đời của tỉnh. Do vậy, tỉnh cũng đang cân nhắc việc kêu gọi các dự án đầu tư vào khu vực ven biển này.
Theo ông Hưng, trước giờ khi nói đến xây dựng kế hoạch lấn biển luôn luôn phải thận trọng, cần nghiên cứu thật kĩ để tránh gây tác hại đến môi trường và kiến trúc cảnh quan trong vùng. Tuy nhiên, với đường bờ biển dài hàng trăm km của tỉnh, có những khu vực chỉ toàn bãi đá ngầm, bãi bùn thì nên ưu tiên cải tạo bằng các dự án du lịch hiện đại.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 128 dự án đầu tư du lịch trong và ngoài nước còn hiệu lực chủ trương đầu tư, với diện tích 2.704ha, vốn đầu tư đăng ký 9.147 triệu USD và 34.789 tỷ đồng.
Trong đó, có những dự án du lịch chất lượng cao đã hình thành và hoạt động kinh doanh có hiệu quả góp phần tăng doanh thu và lượng khách cho du lịch địa phương như: Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, KDL phức hợp Hồ Tràm Strip,KDL cáp treo Hồ Mây, Sixsences Côn Đảo, KDL Sài Gòn – Bình Châu và Bình Châu – Hồ Cóc, Lan Rừng Resort Vũng Tàu & Phước Hải, Oceanami Villas & Beach Club, Sanctuary Hồ Tràm…
Du Lịch Vũng tàu
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, có thương hiệu quốc tế, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thu hút được dòng khách cao cấp với 6 cụm du lịch sau:
TP. Vũng Tàu phát triển các sản phẩm du lịch thương mại, hội nghị – hội thảo (MICE), nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa với diện tích trên 15.000ha, trong đó quỹ đất cho các khu du lịch ven biển khoảng 1.600ha;
Cụm du lịch Long Hải – Phước Hải và vùng phụ cận thu hút các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển và núi, thể thao tổng hợp, làng nghề và du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1.100ha;
Cụm du lịch TP. Bà Rịa – Núi Dinh và vùng phụ cận phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh gắn với núi Dinh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích dự kiến khoảng 3.000ha;
Cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu chuyên dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và sinh thái rừng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch chữa bệnh và dịch vụ sức khỏe với quỹ đất trên 5.000ha, trong đó tỉnh đang kêu gọi đầu tư dự án Safari với diện tích khoảng 600ha;
Cụm du lịch Côn Đảo chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan đảo, trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử – văn hóa – tâm linh với diện tích đất khoảng 1.000ha;
Các dự án du lịch ven sông và rừng ngập mặn trên sông Dinh, các vịnh hạ lưu sông Dinh, sông Ray, sông Cái Mép – Thị Vải và tuyến nối Vũng Tàu – Cần Giờ.
Song song đó, Sở Du lịch tỉnh cũng đề xuất các dự án chậm triển khai đã thu hồi để kêu gọi đầu tư như: Bảo tàng tranh 3D tại vị trí dự án KDL Bờ Biển Vàng tại Phường 11, TP. Vũng Tàu; gộp dự án Khu biệt thự Sông Lô (45ha) và KDL Biển Bình Châu (43,34ha) thu hút đầu tư KDL vui chơi giải trí phức hợp cao cấp; KDL Hiền Nga (15,6ha) và KDL Minh Tú (17,65ha) thu hút đầu tư khu dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển; KDL Cát Vân (12,6ha) và KDL Liên hợp resort Thể thao Bình Châu (13ha) thu hút đầu tư khu biệt thự nghỉ dưỡng.
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ